Dạt Vòm
Phan_3
Tôi ra vòi nước chậm rãi rửa sạch gương mặt bầm tím dính đầy đất cát, rồi đi vòng qua sân, vào gian bếp mở tủ lạnh lấy chai nước và hộp đá. Tôi nhặt luôn một quả táo to tướng trong ngăn trái cây của bà chủ nhà. Như thế, tôi đã biến thành kẻ cắp. Nhưng nếu không làm thế, chẳng có gì để "khoá mồm" kẻ cắp đáng ghét kia. Quay về phòng, tôi đứng ngoài cửa một lúc. Bên trong im lìm. Cô nhóc ngồi co ro trên ghế, gục mặt xuống bàn ngủ ngon lành. Tôi rón rén tới gần. Ồ, ví tiền và cái di động nằm trong túi áo khoác jeans của cô nhóc. Tôi nín thở, khe khẽ tiến đến... Châu mở choàng mắt. Tôi vội vã đổi tay, chìa ra quả táo. Cô nhóc nhíu mắt, kiểm tra lại túi áo, thở phào: "Anh đừng hòng lấy trộm được thứ gì từ em!". Vừa gặm táo, Châu nhìn tôi băng bó vết thương. Bỗng, cô ta giằng lấy băng bông từ tay tôi, chậm vết bầm, bôi thuốc đỏ, rồi dán băng trên má tôi thật khéo léo. Tôi buông tay, để im cho cô nhóc ăn cắp chăm sóc. Một hơi thở ấm áp nhè nhẹ. Gò má lấm tấm tàn nhang. Một đôi mắt to rộng, từ đáy mắt ánh lên tia sáng lấp lánh lạ lùng... Điều gì đó thức giấc trong tôi, cựa khẽ. Nhưng tôi giật mình, cắt đứt mạch cảm xúc lạ lùng đang kéo đến. Một cô nhóc ăn cắp đang đối diện tôi, không thể gần hơn. Chính xác là thế.
- Đừng ngó em lom lom như vậy! - Đôi môi hơi bĩu ra của Châu mấp máy - Mẹ em là bác sĩ có phòng mạch. Em biết tất cả những trò cứu chữa thế này.
Châu trả lời các câu hỏi của tôi ngắn gọn và thật dễ dàng. Như thể hàng trăm lần cô nhóc đã bị tống cổ ra khỏi nhà buổi tối, hàng trăm lần tình cờ chứng kiến một vụ cướp xe và đi theo nạn nhân về tận nhà. Châu vừa thi trượt đại học. Cô ta bằng tuổi tôi. Chẳng qua kiểu tóc và cách ăn mặc kỳ quái khiến cô ta chưa sạch vẻ nhóc con. Tối qua, đi chơi về nhà muộn trèo hàng rào vào nhà, Châu bị trừng phạt, nhốt ngoài đường.
- Nếu em chờ thêm chút nữa thì sẽ được vào. Nhưng nghe ồn ào, em chạy ra xem anh bị cướp xe. Sau đó, không hiểu sao em lẽo đẽo đi theo anh. Vậy đấy... - Cô nhóc nói khẽ, dụi mắt.
- Tại sao ví tiền và di động của tôi nằm trong túi áo cô? - Tôi cười khẩy.
- Anh làm rơi ra và em nhặt hộ thôi! Khi nào chia tay, em sẽ trả lại hết cho anh - Cô nhóc nhướng mắt, điệu bộ ngây thơ vô tội nhất đời.
- Còn ví tiền lần trước. Lúc cô ngồi cạnh tôi trên xe bus ấy? - Tôi hỏi thẳng.
- Em chẳng hiểu gì cả. Anh nói gì thế? - Châu nhăn nhó, lảng tránh - Mà thôi. Em buồn ngủ rồi. Anh định sẽ ngồi thế này và nói chuyện suốt đêm ư?
Tôi trèo ngay lên giường của mình. Tôi không thèm đếm xỉa đến cô nhóc nữa. Nếu cô ta nhảy ra ngoài và làm ồn, tôi sẽ xem như không biết gì hết. Cô ta sẽ được bị coi là kẻ trộm đột nhập bất hợp pháp. Gió ngoài vườn lùa qua cửa, lạnh buốt. Tôi kéo chăn đắp lên tới cổ. Châu đứng lì bên thành giường rất lâu, rồi bướng bỉnh lên tiếng:
- Em lạnh. Em muốn ngủ!
Tôi vẫn câm nín.
Cô nhóc lay nhẹ vai tôi. Tôi mở hé một mắt, ác độc:
- Đừng nói là cô muốn nằm chung với tôi nhé!
Phun xong câu nói ấy, tôi bỗng tê điếng. Đột nhiên, tôi nhớ đến cảm giác mềm mại ấm êm sau khi bị tên cướp xe đấm ngã, dựa vào ngực cô nhóc. Mùi thơm dịu. Những đốm tàn nhang nhìn gần... Tôi bỗng thấy mình thật đáng ghét. Thỉnh thoảng, tôi cũng nghĩ linh tinh về bọn con gái. Nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn chẳng biết cóc gì ra hồn. Bọn bạn cùng lớp, một vài thằng, vẫn ba hoa về chuyện ấy suốt. Tôi lắng nghe thích thú. Nhưng sau đó cảm thấy chán nản. Tôi chẳng phải là một thằng đạo đức gì cho lắm. Nhưng nếu việc ấy quá dễ dàng, như mua một điếu thuốc hay một miếng bánh, hẳn tôi sẽ coi thường mình ghê gớm. Nhưng giờ đây, một cô gái xinh xắn đang ở rất gần...
Tôi cắn môi, ngồi bật dậy. Quơ tay lấy cái áo khoác dày để trên lưng ghế, tôi lao ra ngoài, ngồi phệt xuống bệ cửa. Mặc dù mặc ấm, tôi vẫn không sao ngủ được. Chỉ cần đẩy nhẹ cửa, tôi sẽ quay vào cái giường của tôi, ấm áp, đầy bí mật
Chương 7
Một cảm giác là lạ, định hình thành cái đốm ẩm ướt lướt nhẹ trên cánh tay, như một nụ hôn mềm mại. Tôi mở choàng mắt. Trời sáng rõ. Mặt trời lờ mờ khuất sau tảng mây lạnh. Chẳng có đôi môi nào sất. Chỉ là mũi con chó phốc dụi vào tay tôi, bực bội gầm gừ. Trên nữa, bà chủ nhà cúi nhìn tôi đầy ngờ vực. Tôi loạng choạng đứng dậy. Tim đập mạnh. Nếu phát hiện ngay sau cánh cửa khép hờ kia, có một cô gái nhỏ ngủ vùi trong chăn nệm của tôi, bà cụ sẽ làm gì nhỉ. Tôi thọc hai tay vào túi quần jeans, lảng tránh tia nhìn nhọn hoắt, chôn vùi sự run rẩy dưới giọng nói cố gắng ôn hoà:
- Bà tìm cháu có việc gì ư?
- Hôm qua cậu về khuya? - Bà cụ đốp ngay, lạnh lẽo.
- Có một người khách nhờ cháu chở đi hơi xa...
- Sao cậu không vào phòng ngủ mà lăn lóc ngoài trời lạnh?
- Đêm qua, trong ấy có mùi là lạ! - Tôi nói dối nhanh như chớp, tim khua loạn.
- Mùi gì chứ! - Bà cụ cau có, xăm xăm đi vào.
Chưa bao giờ tôi phát hoảng lên đến vậy. Chỉ hai bước nhảy, tôi đứng chặn ngay trước cửa. Bà chủ nhà giật mình lùi lại. Con cún chết tiệt sủa nhặng. Gương mặt thất thần của tôi càng khiến bà cụ sinh nghi tợn. Bằng một cái gạt tay, tôi đã bị bà đẩy qua một bên. Cánh cửa mở nhẹ. Tôi đứng im bên ngoài, cúi mặt, cắn chặt môi, chờ đợi... Một tiếng hét vang lên. Tôi toan co chân tháo chạy. Nhưng bà cụ nhanh hơn. Bà túm vai áo tôi, kéo vào bên trong. Quanh tôi như tối sầm lại.
- Cái gì đây? - Bà cụ đay nghiến.
Tôi từ từ cúi xuống. Góc phòng, một ổ bánh mì lên mốc đỏ rực, bốc mùi ngai ngái. Ánh nhìn tôi lướt sang phía cái giường. Bây giờ thì tôi đứng sững, đờ đẫn như cột đá thật sự. Cái giường rỗng không. Cái chăn kẻ ca-rô gấp gọn. Chiếc gối còn hằn dấu khuôn đầu bé bỏng. Nhưng cô nhóc đã biến mất.
"Đừng có bày bừa trong nhà tôi, bất kể xó xỉnh nào! Đừng có uống rượu say bét nhè đến nỗi ngã bầm dập mặt mũi rồi lết về đây! Đừng có mở toang cổng nhà tôi suốt đêm như vậy..." Những mệnh lệnh cáu kỉnh của bà cụ tuôn ra không ngớt, như những mũi tên liên tiếp bắn về phía tôi. Tuy nhiên, chúng rơi xuống lả tả. Tôi chẳng nghe gì nữa. Cô nhóc đã đánh thó chìa khoá tôi cất trong túi áo khoác, mở cổng chuồn đi khi tôi còn ngủ mê mệt ngoài trời lạnh. Bà cụ chủ nhà thân chinh nắm tay tôi kéo xềnh xệch băng qua sân. Sợi dây xích và ổ khoá vứt dưới đất. Cánh cổng sắt khép hờ. Tôi trả lại chìa khoá cho bà chủ nhà, lúng búng vài câu xin lỗi rồi quay trở về nhà kho, nơi ẩn náu cuối cùng giờ đây tôi có thể rúc vào. Mọi thứ xếp đặt gọn ghẽ trên mặt bàn, cạnh máy laptop. Cái ví. Chiếc điện thoại di động. Cả chìa khoá xe máy. Tôi ngồi thừ một góc giường. Rõ ràng, Châu không phải kẻ cắp, dù hành động của cô nhóc theo đúng kiểu dân kẻ cắp chuyên nghiệp. Cô ta dính líu vào tôi làm gì nhỉ? Cuộc gặp gỡ lạ lùng hôm qua phải chăng chỉ là những chi tiết mọc ra từ giấc mơ xanh thẳm, hoang đường? Mọi thứ xung quanh tôi vẫn thế, chẳng có gì suy xuyển. Thế nhưng vì sao tôi bỗng dưng biến thành một cái bình thuỷ tinh bị dốc ngược, hoàn toàn trống rỗng?
Suốt một tuần sau đó, không phải đến trường, tôi vùi đầu vào đống bài tập thiết kế cuối học kỳ. Nhưng thỉnh thoảng, tôi bỏ mặc mọi thứ, ngồi trên bậc cửa, nhìn ra khu vườn bắt đầu chìm vào mùa đông. Buổi tối, tôi không hào hứng đi chạy xe ôm nữa. Tôi nghỉ một tuần. Tiền vẫn còn đủ dùng thời gian sắp tới. Mấy cây mận buông đầy lá rụng. Những đài hoa trắng thưa thớt dần trên mặt đất rồi khô héo, sẫm nâu. Nói thật ra, tôi không thích bắt mình phải suy tư, càng không thích nhìn vào bên trong cảm xúc. Tuy nhiên, một cảm giác quái quỷ nào đó vẫn xâm chiếm, theo máu luồn lách vào ngóc ngách bí hiểm bên trong tôi, khiến tôi day dứt. Có lúc nào đó, không thể đoán trước, ngay một kẻ vô tâm như tôi cũng sẽ rơi vào trạng thái đơn độc. Ừ, chẳng hay ho gì để ba hoa. Hàng vạn người đã trải qua cảm giác này. Rồi họ cũng vùng vẫy thoát ra được, sống tiếp, ổn thoả và tử tế. Tuy nhiên, lúc này đây, tôi chẳng muốn chống cự gì nên cứ bỏ mặc mình trôi vào trạng thái cô đơn tột cùng.
Tôi ngồi như thế cả ngày, tay chân bải hoải tựa bị hút hết sinh lực. Những chiếc lông vũ xanh lơ rời ra từ ngực một con bồ câu cứ bay lơ lửng trên khoảng trời hẹp. Mỗi khi nó muốn hạ xuống, một cơn gió thoảng lại cuốn nó lên cao. Trừ những ngày mưa rớt rơi, thời tiết khô ráo và sáng sủa. Giống như có một người vô hình chạy trên nóc nhà. Hắn ta lúc trầm ngâm, lúc nhạo báng nhìn thẳng vào mắt tôi bằng đôi mắt to tướng và thấu suốt. Về khuya, khu vườn dậy lên mùi thơm của vỏ cây, của đất, và của những phiến rêu bám đầy trên vách tường rào. Tôi mang theo cái chăn ra ngoài sân, ôm ghì lấy nó. Tôi chợt nghĩ đến một thân thể đã cuộn tròn trong này, ấm áp, thơm tho. Cơ thể xinh xắn của một cô gái trong bóng tối. Vệt sáng xanh dịu dàng lướt qua đôi vai. Những đốm rêu mịn trổ lên làn da mỏng manh. Bụi hoa rập rờn mọc lên từ khoảng ngực nhỏ thở phập phồng. Những hình ảnh nối tiếp, chồng lên nhau như một bản tranh in đá. Màu sắc trầm dịu nhoè vào nhau, các hình khối dần dần nổi lên, trở thành một ký ức rõ rệt, làm tôi nhói đau.
Nỗi cô độc đầu tiên. Tình yêu đầu tiên. Tại sao cả hai lại đến với tôi cùng lúc?
Giữa tháng, tôi mang bài quay trở lại trường. Tụi bạn chơi chung nhóm giật mình hỏi tôi có ốm không. Tôi nghĩ mình hoàn toàn bình thường. Nhưng một thằng nhận xét tôi hệt như bị thương nặng, mất sạch máu sau cuộc chiến đấu dữ dội nào đó.
Chương 8
Thỉnh thoảng, tôi nhận vài tin nhắn hay trả lời điện thoại Linh. Chỉ hai tháng trước thôi, tôi vẫn tin rằng tôi không thể tìm ai thân thiết hơn, đáng tin cậy hơn cô. Thế nhưng, thời điểm rời nhà, bỗng dưng tôi quên bẵng Linh. Tôi nói thành thật, mặc dù có vẻ như tôi rất giống đồ khốn kiếp. Lúc tôi có lại điện thoại di động, Linh là người đầu tiên gọi cho tôi. Cô đã phát ốm vì hoảng sợ và lo âu. Tôi xin lỗi. Nhưng cô khóc mãi. Thật lạ lùng, tiếng nức nở buồn bã không làm tôi ân hận. Nó chỉ khiến tôi chán nản kinh hoàng. Tôi tắt máy, ném mobile vào góc phòng, úp mặt trên bàn học. Nhưng trưa nay, khi Linh gọi, tôi lại chủ động gợi ý qua bên đại học ngoại ngữ đón cô.
Chúng tôi ngồi quán cà phê nhỏ. Đôi mắt Linh nhìn tôi, như lục kiếm một thứ gì đó. Cô thật chẳng chê vào đâu được, gương mặt đẹp, mái tóc mềm mượt loà xoà xuống vai áo thanh nhã, những ngón tay thon đeo nhẫn lấp lánh. Linh đến từ một thế giới khác, yên ấm, đầy đủ và an toàn. Cái thế giới mà tôi chẳng thuộc về nữa. Tôi gọi cho Linh một cốc nước cam. Phần tôi ly cà-phê đá. Linh mỉm cười, lên tiếng dịu dàng:
- Huy người lớn thật rồi.
- Ừ, cũng chẳng quan trọng gì lắm. Ai rồi cũng phải thay đổi.
- Khi nào thì Huy về nhà? - Linh hỏi thình lình.
Có lẽ đó là điều duy nhất mà Linh quan tâm. Nhưng, cũng chính câu hỏi ấy đã đào một cái hố lớn ngăn cách giữa tôi và cô ấy. Tôi lắc đầu, nói nhanh:
- Tụi mình gặp nhau không phải để nói chuyện đó.
- Chứ chuyện gì nào? Tại sao Huy luôn hành động kỳ quặc? Huy có nghĩ gì đến tương lai không? Học hành tử tế cho xong đại học. Tụi mình cùng đi du học. Rồi sống đàng hoàng. Nhưng Huy lại muốn mọi thứ trật ra khỏi những dự định tốt lành ấy. Tại sao chứ? Huy nói đi, tại sao?
- Bỏ qua việc ấy được không! - Tôi nhìn vào mắt cô gái - Mình gặp Linh để nói điều khác cơ.
- Chuyện gì vậy? - Linh chợt im bặt, chăm chú quan sát tôi.
- Huy đơn độc khủng khiếp! - Tôi thốt lên, thì thào, với tất cả thành thật.
Sau quãng im lặng kỳ dị, bỗng dưng vang lên tiếng cười giòn tan. Tiếng cười ấy căng phồng lên, nối dài, thành một dải lụa vàng chói, bay phần phật, kiêu hãnh và chế nhạo. Thoắt chốc, Linh đã biến thành một người hoàn toàn xa lạ. Vĩnh viễn cô ấy không còn là một phần của tôi nữa.
Tôi đứng dậy, lảo đảo ra quầy thanh toán tiền nước. Rồi tôi bước đi, để lại Linh phía sau. Không, tôi đã bỏ lại cái phần hời hợt, vô tư lự, cái phần tính toán buồn chán trước kia tôi từng quý mến và tin cậy. Nhẹ nhàng làm sao. Mà cũng buồn bã làm sao.
Những ngày cuối năm. Có nhiều đêm lạnh. Tôi vùi đầu vào học và vẽ. Mấy lúc không biết làm gì, tôi lại lấy cái xe máy chạy lòng vòng, chở khách đi đây đó. Nhất định tôi phải gặp lại Châu, người nắm giữ chìa khoá giải thoát cho những nhớ nhung khắc khoải kỳ dị của tôi.
Chương 9
Sau đợt làm bài học kỳ, tôi xin được chân hoạ viên tại một văn phòng thiết kế. Công việc khá nặng, nhưng tôi có thể làm việc ban đêm. Cuối năm, trời lạnh, chạy xe chở khách dưới mưa phùn quả không dễ chịu chút nào. Rời bỏ việc ấy cũng chẳng tiếc gì. Chỉ đôi khi, ký ức lang thang trong một thành phố chìm vào giấc ngủ sâu vẫn quay trở lại, hệt như một mảng màu tối thẫm,không đẹp đẽ lắm nhưng lại đầy sức an ủi. Cảm giác cô độc vẫn đeo bám tôi một cách dai dẳng. Đến nỗi có đêm đi làm về muộn, tôi nghĩ trái tim mình đã luồn ra ngoài lồng ngực, đông thành đá. Nhưng chỉ là cái USB vỏ kim loại lạnh toát áp vào ngực mà thôi. Tôi hạ tay ga, chạy vào con đường nhỏ, nơi từng xảy ra vụ cướp xe. Suy đoán mách bảo tôi rằng nhà Châu ở đâu đó trong khu vực này. Thế nhưng, như một cái bóng tan vào bầu không khí xanh lơ, tôi không lần ra dấu tích nào của cô gái lạ lùng ấy nữa.
Một mùa đông lạ lùng.
Các sáng thức giấc, tôi nằm úp mặt vào gối. Kể từ ngày Châu đến căn phòng kho tôi ở. Có một điều gì đó không còn như cũ. Châu biết nơi tôi ở, biết số mobile của tôi. Sao cô ấy chẳng gọi? Tôi không có ý nghĩa gì với cô ư? Và tại sao có một lúc nào đó, người này trở nên quan trọng với người kia đến thế? Tôi giống như con ốc biển bị những đợt sóng dồn ép trong cái vỏ chật chội, bị một hạt cát nhỏ xíu lọt vào, cứa đứt góc da thịt nhuyễn thể, cứ mãi đau nhức.
Tôi không đi chơi, không ngồi cà phê. Cũng không vào rạp xem phim tiêu huỷ thời gian và cảm giác trống rỗng. Một cậu bạn rủ tôi ghé nhà cùng xem phim. Những đĩa phim tình cảm Mỹ trước kia tôi vẫn xem bằng đôi mắt háo hức tò mò thì giờ đây lại làm tôi cáu kỉnh. Tôi nhớ Châu da diết. Tôi muốn một lần nữa được nghe giọng nói khẽ khàng và nhìn thấy đôi mắt trong suốt. Thực sự, bên trong tôi mọc lên nỗi khao khát được ôm ghì lấy Châu, được áp môi lên vầng trán trắng muốt bướng bỉnh của cô ấy. Trong sự gắn kết dịu dàng, nỗi cô độc sẽ rút đi. Và tôi sẽ hiểu được cô. Hiểu thấu một người khác ngoài bản thân mình. Chia sẻ. Gắn bó. Những từ ngữ bình thường đột nhiên toả ra ý nghĩa thẳm sâu khiến tôi choáng váng. Nhưng thật sự tôi muốn Châu theo cách như vậy đấy, chứ không phải để làm các hành động tầm thường như những nhân vật trên phim. Ồ, có vẻ hơi kỳ dị. Nhưng thật là như vậy. Một khi người ta đã yêu ai thật sự, mọi thứ đều thấm đượm nét đẹp kỳ ảo, dù có khi đau nhói chẳng hề dễ chịu chút nào. Nếu ai biết được những ý nghĩ cất giấu trong đầu tôi, hẳn họ đoán tôi sắp phát điên lên.
Tôi lao vào làm việc, vẽ bài quần quật. Không gian ngoài kia, những bụi cây vàng hoen ướt sũng, những vỉa hè phủ đầy lớp lá nâu bẩn, các mái nhà trơn trượt mọc rêu dường như không hề dính líu đến tôi nữa. Chúng thuộc về một thế giới hoàn toàn khác, lạnh nhạt và hờ hững với riêng tôi. Thỉnh thoảng buổi sáng ngồi trên phòng thiết kế nhìn xuống, có thấy vài vệt sương mù bảng lảng trên các ngọn cây. Đám lá vàng không còn cứng cáp nữa. Chúng rũ xuống. Chỉ cần thêm vài đợt gió thốc là chúng bị giật lìa khỏi cành, thổi bạt về một con đường nào đó. Trời bắt đầu lạnh.
Hai tuần làm việc cật lực ở phòng thiết kế, người ta trả cho tôi khoản lương giữa tháng. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là mua một chiếc áo ấm tử tế. Mấy bộ tôi mang theo khi rời nhà vẫn còn tốt và sạch. Nhưng chúng không đủ che chắn những đợt lạnh sắp tới. Tôi phóng xe ra cửa hàng quen. Nhiều mẫu áo mới, vải khaki tuyền màu nâu sẫm mà tôi ưa thích, khuỷu tay và cổ áo lót da mềm. Tôi mặc thử. Liếc nhìn tem giá, tôi bỗng khựng lại. Trước kia, tôi có thể mua vô tội vạ các món ưa thích. Tiền ba má cho, tôi tiêu xài chẳng suy nghĩ. Thế nhưng giờ đây, việc đánh đổi hai tuần làm việc chỉ để lấy cái áo ưng ý chừng như là một ý tưởng kỳ quặc. Tôi đề nghị chọn mẫu khác đơn giản hơn. Đúng lúc ấy, mobile trong túi rung lên. Tôi rút nhanh máy, run rẩy, đột nhiên đầy hy vọng. Nhưng, trên màn hình, chỉ là tên của chị tôi.
Kể từ sau cuộc gặp cuối cùng ở quán cà phê, tôi không gặp lại chị Minh. Chị gọi, tôi cũng chẳng trả lời. Thi thoảng, chị gửi cho tôi một tin nhắn, báo vài thông tin vắn tắt về gia đình. Có thể chị nghĩ đến sự cần thiết phải duy trì mối dây liên lạc với người thân, dù thưa thớt, hoặc đây là cách chị khéo léo nhắc rằng tôi vẫn còn là mảnh nhỏ bám vào trí nhớ chị. Nhưng, dù chị có làm gì, nghĩ gì, những bí mật về chị mà tôi tình cờ biết được vẫn như viên thuốc đắng ngắt nằm im dưới lưỡi. Khối người cho rằng dấu hiệu trưởng thành là việc biết chấp nhận nhiều mặt khuất u ám của cuộc đời, xem nó như chuyện đương nhiên. Nhưng tôi thì cóc cần cái lối thoả hiệp ấy...
Lúc này, nhạc chuông điện thoại vẫn nối tiếp, đượm vẻ cấp bách khó hiểu. Không từ chối cuộc gọi như mấy hôm trước, giờ đây tôi ấn phím trả lời. Chị tôi nói ngắn, hối hả: "Bé Hoan ốm nặng. Ba má còn bàn hợp đồng ở Sing. Em ghé qua nhà được không?"
Không nói gì nữa, bất chấp phép lịch sự tối thiểu, tôi lao ra khỏi cửa hàng. Đột nhiên, máu trong người tôi đông cứng.
Biết kể gì về em gái tôi? Biết nói gì về một cô bé 8 tuổi có đôi mắt giống tôi, nụ cười giống tôi, trạng thái phấn khích và hay ủ dột cũng giống tôi nốt - ai cũng nhận xét như vậy. Nhưng tôi yêu quý con bé vô hạn không chỉ vì những điều ngẫu nhiên ấy. Ở Hoan, ngay cả khi nó áp lòng bàn tay nhỏ xíu vào hai bên thái dương tôi, cười khanh khách, luôn có một điều gì khiến tôi muốn ứa nước mắt. Sự trong sáng, những hiểu biết ngây thơ sai lạc về cuộc sống, niềm tin không điều kiện vào những điều tốt lành, và cả lòng tin cậy tuyệt đối của nó đối với ông anh trai chỉ đáng vứt đi vẫn khiến tôi ngạc nhiên khôn tả. Mỗi khi Hoan cầm lên con gấu chân dài chân ngắn, kéo nhẹ sợi dây sau lưng cho chú gấu cử động, ý nghĩ kỳ lạ lại thoáng qua đầu tôi: Tôi chính là chú gấu ấy. Chừng nào em tôi còn thương yêu và canh chừng chú gấu cũ kỹ bạc màu trong tầm mắt, thì tâm hồn tôi còn an toàn, vững tin mình vẫn còn chút gì tốt đẹp... Thế mà giờ đây, con bé ốm nặng, nằm im như bị vùi chôn dưới mấy lớp chăn dày. Đang chạy xe như điên cuồng, bỗng tôi khựng lại. Tôi muốn em tôi mỉm cười. Đã lâu lắm rồi, mải chạy theo những vấn đề cá nhân khốn đốn, tôi chẳng nhớ gì đến con bé. Tôi tấp xe bừa vào một cửa hàng đồ chơi, mua cho Hoan thứ gì đấy. Gì cũng được, miễn màu đỏ con bé ưa thích. Có một chiếc kèn trumpet bằng sắt sơn đỏ chói chang. Trông hơi quái, nhưng cũng thật ngộ nghĩnh. Tôi nhét vội vào tay người bán hàng tờ bạc lớn, cầm chặt cái kèn một bên tay, nhảy lên xe, tăng ga phóng ào đi.
Cổng nhà. Phòng khách rộng thênh. Cầu thang sạch bóng. Mọi thứ nguyên vẹn như lúc tôi rời đi. Nhưng giờ đây, tôi chẳng bận tâm gì nữa. Tầng hai. Phòng em tôi đây rồi. Tôi đẩy nhẹ cửa, lách vào. Mùi phấn rôm phảng phất trộn lẫn mùi thuốc hăng nồng. Hoan nằm im dưới tấm chăn xanh nhạt, nhìn đăm đăm lên trần nhà. Đôi tay mảnh khảnh của con bé bấu vào mép chăn, như chống cự lại sức nặng vô hình đang đè trĩu xuống. Đầu giường, chú gấu nhỏ treo toòng teng, đôi khi đu đưa nhè nhẹ. "Nhìn xem ai bước vào này!" - Hít một hơi dài, tôi lấy giọng hát khẽ, rồi huýt gió bản nhạc quen thuộc. Chầm chậm, đôi mắt to tươi sáng, ngay cả trong cơn sốt vẫn tươi sáng, ngoảnh về phía tôi. Nụ cười. Một cánh tay vươn ra. Chỉ hai bước, tôi đã quỳ xuống ở bên giường.
- Anh biết phát âm tiếng Anh giống như chú lừa trong phim Shrek chưa? - Đó là câu nói đầu tiên của Hoan thay cho lời chào. Tôi đã bảo rồi. Con bé thông minh khủng khiếp. Nó luôn biết cách tránh cho người đối thoại cảm giác khó khăn.
- Sắp rồi, nhóc ạ! - Tôi ủ bàn tay em bé trong tay tôi, áp lên má, cố gắng không lạc giọng đi - Anh còn biết chạy xe ôm, và đi vẽ thuê nữa.
- Chắc là cũng vui, nên anh mới chịu làm các việc ấy, đúng không? - Hoan cười. Lớp da trên đôi môi khô như sắp nứt ra.
- Ừ! - Tôi gật - Anh tự kiếm được tiền rồi. Anh mua cho em cái kèn này!
- Anh can đảm thật đấy!
Lời khen đầu tiên kể từ ngày tôi rời nhà. Tôi tôi lặng đi.
Tôi đặt chiếc trumpet đồ chơi vào tay em. Mấy ngón tay nhỏ nhợt nhạt bấu chặt các nút bấm. Rồi cánh tay rơi xuống, kiệt sức. Bỗng nhiên, em tôi khóc oà lên:
- Em chờ anh lâu quá! - Giọng con bé vỡ ra. Đến bây giờ, nó mới khóc.
- Anh xin lỗi. Đừng khóc mà. Để lá phổi tội nghiệp của nhóc yên nào... - Tôi lập bập, van nài.
Con bé ôm quàng cổ tôi. Chị Minh bước vào, khẽ hất đầu ra hiệu cho tôi.
- Bây giờ hai anh em mình vào bệnh viện nhé! - Tôi nói khẽ.
Hoan chớp mắt, đồng ý. Suốt một tuần qua, con bé không chịu rời căn phòng. nó sợ tôi về nhà thình lình mà nó không gặp được.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian